“STARTUP” ANECO đón sóng tiêu dùng Xanh

18/11/2019
Dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn AnEco của tập đoàn An Phát Holdings sau thời gian xuất khẩu 100% ra thị trường quốc tế, giờ đây chuyển hướng sang thị trường nội địa, nhắm đón sóng tiêu dùng xanh đang manh nha trong nước.
Sự chuyển hướng này là kỳ vọng lớn được An Phát Holdings đặt cược vào xu thế tiêu dùng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn đang dần nổi lên trong nước, mà theo chủ tịch APH tự nhận: “chúng tôi lại trở về như một startup khi đóng vai trò là nhà sản xuất các sản phẩm phân hủy từ tinh bột đầu tiên tại Việt Nam”.
Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia hàng đầu xả thải nhựa ra đại dương với 1,8 triệu tấn mỗi năm, theo công bố mới đây của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO). Nhiều chương trình, sự kiện được tổ chức suốt trong năm qua nhằm khuyến nghị cộng đồng và doanh nghiệp chung tay giải quyết vấn nạn về rác thải nhựa để bảo vệ môi trường.
Trong một chương trình nghị sự về vấn nạn xử lý rác thải nhựa tại TPHCM mới đây, ông Nguyễn Thành Phương – Phó cục trưởng Tổng cục Môi trường Việt Nam cho rằng, gần đây thị trường ghi nhận sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các chuỗi bán lẻ với các sáng kiến giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa và thay bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn.
“Việt Nam cũng đã xuất hiện nhà sản xuất các sản phẩm túi vi sinh có khả năng phân hủy hoàn toàn làm từ tinh bột đầu tiên, là tín hiệu đáng mừng và cần nhân rộng,” ông Phương nói. Nhà sản xuất mà ông Phương nhắc đến là công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA) – thành viên của An Phát Holdings, một trong những nhà sản xuất bao bì nhựa màng mỏng lớn tại Đông Nam Á.
Chủ tịch APH cho biết, công ty nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn thương hiệu AnEco từ năm 2015 vì nhận thấy đây là xu thế chung của thế giới. Bắt đầu từ châu Âu, xu thế này lan rộng sang Mỹ và nhiều nước khác, Việt Nam cũng sẽ không thể nằm ngoài xu thế này.
Sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn (compostable) được đánh giá thân thiện với môi trường nhờ sản xuất bằng 100% nguyên liệu hữu cơ, chủ yếu là các loại tinh bột như ngô, khoai, sắn. Khi trở thành rác thải, được chôn lấp tự nhiên hoặc ủ công nghiệp, được vi sinh hấp thụ và sẽ phân hủy thành mùn, CO2 và nước như phân bón cho đất.
“Đây chính là cơ chế quan trọng nhất của sản phẩm “compostable” – thuật ngữ được châu Âu dùng để chỉ sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn, không nhập nhằng với các sản phẩm ‘thân thiện hơn với môi trường’ nhưng về bản chất vẫn là nhựa,” chủ tịch Dương lý giải thêm.
Sau khi được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, đến cuối năm 2018, họ chuyển hướng sang thị trường nội địa. Trong cuộc phỏng vấn riêng với Forbes Việt Nam, ông Dương ví việc đưa dòng sản phẩm AnEco vào thị trường nội địa sau thời gian “mang chuông đi đánh xứ người” thì An Phát Holdings “lại trở thành một… startup” ở chính thị trường nội địa.
Nói về sự khác biệt của quy trình sản xuất sản phẩm sinh học phân hủy so với sản phẩm nhựa truyền thống, ông Dương cho biết, nằm ở khâu nguyên liệu, còn công nghệ sản xuất về cơ bản không khác nhiều. Các sản phẩm nhựa thông thường làm từ nguyên liệu hóa dầu còn các sản phẩm sinh học phân hủy làm từ các quá trình trùng ngưng, phân tách các loại axit từ chất hữu cơ. Vì có nguồn gốc hữu cơ nên việc bảo quản sản phẩm này cũng khác với sản phẩm nhựa truyền thống, đòi hỏi độ ẩm phù hợp nhằm giữ cho sản phẩm không bị biến chất.
AnEco mới ra mắt thị trường nội địa năm 2018, hiện chiếm tỷ trọng còn khá thấp so với các sản phẩm nhựa thông thường của tập đoàn này. Theo ông Dương “chỉ khoảng 10%”, do giá thành các loại túi vi sinh phân hủy hoàn toàn cao hơn giá túi nhựa thông thường 2,2-2,5 lần. “Ý thức tiêu dùng của người dân hiện cũng chưa cao, nhưng tăng trưởng doanh thu hơn 15% mỗi năm như vậy với chúng tôi đã là khả quan,” ông Dương nói.
Đánh giá cao về tiềm năng tiêu dùng nội địa, ông Dương đặt kỳ vọng trong 5 năm tới, dòng sản phẩm vi sinh phân hủy này sẽ mang đến 50-60% doanh số trong mảng nhựa. Tổng sản lượng nhựa của công ty hiện khoảng 9.000 tấn/tháng, nghĩa là dòng sản phẩm mới này được kỳ vọng sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 4.500 tấn/tháng.
Ông Dương cũng không giấu tham vọng doanh thu ở thị trường nội địa sẽ chiếm khoảng 30-40% trong cơ cấu doanh thu mảng nhựa của tập đoàn. Sự tự tin này đến từ việc ngoài các sản phẩm chủ đạo là túi siêu thị, dao, thìa, dĩa, ống hút, găng tay, khăn trải bàn, cốc giấy có màng tự hủy sinh học…, AnEco còn sản xuất các sản phẩm liên quan đến đồ chơi cho trẻ em và cả nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio, được gọi là AnBio, để cung cấp cho các nhà sản xuất khác.
Theo ông Dương, hiện trên thế giới có khoảng 10 công ty sản xuất các hạt nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn – yếu tố không thể thiếu để tạo ra được các dòng sản phẩm vi sinh phân hủy. Những nhà sản xuất nguyên liệu này luôn trong tình trạng “cháy hàng”, đến mức trước đây họ phải “xếp hàng” mới mua được. Vì vậy, hiện nay họ sẽ tận dụng thế mạnh “làm được cả chuỗi từ nguyên liệu đến thành phẩm.”
Hiện công ty mới có một số khách hàng là các siêu thị nhỏ ở Hà Nội và các nhà hàng. Nhưng ông Dương tỏ rõ lạc quan với hướng đi mới này khi cho biết đang trong thương thảo ký hợp đồng với chuỗi siêu thị Vinmart; hay đang đàm phán với các khách hàng lớn như Vinamilk, Vietnam Airlines và các chuỗi siêu thị lớn khác. “Hy vọng chỉ trong năm nay, chúng tôi sẽ đưa được nhiều sản phẩm ra thị trường Việt Nam,” ông Dương nói.
Trao đổi với Forbes Việt Nam, TS. Nguyễn Lân Dũng – Phó chủ tịch thường trực Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho rằng khái niệm thân thiện với môi trường hiện tại cũng còn nhiều cách hiểu, nếu gọi những sản phẩm là thân thiện thì chúng có thể chỉ thân thiện chứ chưa an toàn. Khi thị trường xuất hiện sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn, TS.Dũng kỳ vọng việc sử dụng các sản phẩm nhựa thông thường sẽ giảm thiểu dần.
Nguồn: Forbes Vietnam
1/5 - (1 bình chọn)