Tại Việt Nam, lĩnh vực nhựa được dự báo tăng trưởng 6,5% trong giai đoạn 2019 – 2024 với 4 nhóm: Bao bì, gia dụng, xây dựng và kỹ thuật.
Với tốc độ và tiềm năng phát triển của Nhựa An Phát Xanh, nhiều công ty chứng khoán định giá giá trị cổ phiếu AAA hiện chưa tương xứng với năng lực và có phần chênh lệnh so với các cổ phiếu cùng ngành.
Trong số ít doanh nghiệp nhựa niêm yết HoSE, CTCP Nhựa An Phát Xanh (HoSE: AAA) được đánh giá là “tài sản” được nhà đầu tư quan tâm. Lợi nhuận Nhựa An Phát Xanh tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) 21%/năm trong 5 năm qua và dự kiến tăng trung bình 10 – 15% trong 5 năm tới. Với tốc độ và tiềm năng phát triển, nhiều công ty chứng khoán định giá giá trị cổ phiếu AAA hiện chưa tương xứng với năng lực hiện tại và có phần chênh lệnh so với các cổ phiếu cùng ngành.
Mới đây, ông Nguyễn Lê Trung, Tổng Giám đốc Nhựa An Phát Xanh đã chia sẻ về kết quả kinh doanh năm 2019 và những hoạt động của công ty trong thời gian vừa qua.
– Thời điểm này, nhiều nhà đầu tư băn khoăn về kết quả kinh doanh 2019 và kế hoạch năm 2020 của Nhựa An Phát Xanh. Ông đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động của công ty năm vừa qua?
– Ông Nguyễn Lê Trung: Quý III, kết quả kinh doanh của Nhựa An Phát Xanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 2.364 tỷ đồng, tăng 8%, lợi nhuận trước thuế đạt 86 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2018.
Lũy kế 9 tháng, Nhựa An Phát Xanh đạt 7.406 tỷ đồng doanh thu và 520 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương tăng 28% và 174% so với cùng kỳ. Do có sự đóng góp của mảng bất động sản công nghiệp trong năm 2019 và tăng trưởng mạnh của mảng sản xuất, lợi nhuận trước thuế tăng gấp 2 lần so với cả năm 2018. Trong đó, ước tính lợi nhuận cốt lõi đóng góp 50% lợi nhuận trước thuế, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính tới hết 9 tháng, chúng tôi hoàn thành được 85% lợi nhuận năm và dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2019. Kết quả tích cực này có được nhờ việc Nhựa An Phát Xanh có sự chuyển dịch về cơ cấu thị trường và sản phẩm.
Năm 2020 chúng tôi đang làm kế hoạch, dự kiến lợi nhuận cốt lõi sẽ tăng trưởng ít nhất 20%. Đầu tháng 1/2020 chúng tôi sẽ có kế hoạch kinh doanh chính thức.
Ông Nguyễn Lê Trung, Tổng Giám đốc Nhựa An Phát Xanh
– Quan điểm của ông về việc giá cổ phiếu AAA trong năm qua lại không tăng dù kết quả kinh doanh của công ty lại rất khả quan?
– Ông Nguyễn Lê Trung: Năm 2019 là một năm thành công với Ban điều hành của Nhựa An Phát Xanh khi lợi nhuận duy trì tăng trưởng mạnh, trong đó hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi đem lại mức tăng trưởng trên 40%. Tuy nhiên với vai trò là thành viên HĐQT thì tôi thấy chưa thành công khi giá trị thị trường của công ty chưa phản ánh đúng tiềm lực tăng trưởng.
– Liệu đấy có phải lý do An Phát Holdings mua lại toàn bộ chứng quyền của Nhựa An Phát Xanh?
– Ông Nguyễn Lê Trung: Với lợi nhuận hiện tại của Nhựa An Phát Xanh cũng như dự kiến năm 2020, PE chỉ chưa tới 5 lần tại giá chuyển đổi cũng như giá thị trường, vì vậy chúng tôi thấy việc An Phát Holdings mua lại toàn bộ chứng quyền mà AAA phát hành trước đó nhằm mục đích tăng lợi ích cho Tập đoàn là hoàn toàn hợp lý vào thời điểm này. Với mức cổ tức 15%/năm (suất cổ tức hơn 10% trên giá) và mức sinh lời trên vốn đầu tư là 20% (E/P=20%) thì đó là khoản đầu tư hấp dẫn và gia tăng lợi ích cho An Phát Holdings.
Trên cơ sở hoạt động ổn định của các nhà máy và sản lượng năm 2019 tăng trưởng mạnh, tăng trên 10% so với năm ngoái, cùng chính sách dịch chuyển sản phẩm sang các thị trường khác ngoài châu Âu như Mỹ, Nhật sẽ giúp Nhựa An Phát Xanh duy trì sản lượng tối đa cũng như giảm sự phụ thuộc vào một thị trường, đảm bảo triển vọng tăng trưởng vững.
Đáng chú ý, việc Tập đoàn chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào trong sản xuất hướng tới phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, các công ty thành viên có sự hỗ trợ, tác động tích cực với nhau sẽ giúp Nhựa An Phát Xanh tiến xa hơn nữa.
– Được biết gần đây HĐQT có nghị quyết dừng chương trình ESOP năm 2019. Xin ông cho biết lý do?
– Ông Nguyễn Lê Trung: Chúng tôi sẽ hủy chương trình ESOP năm 2019. Trong tương lai, chúng tôi đang nghiên cứu chương trình ESOP khác phù hợp hơn, ví dụ như quyền mua cổ phiếu (Stock Option) ở mức giá cao hơn giá trị sổ sách của công ty. Nhân viên chỉ thực hiện quyền mua khi giá cổ phiếu lên và điều đó sẽ có lợi cho cổ đông của công ty. Chúng tôi thấy chính sách đó sẽ cân bằng với lợi ích cổ đông hơn chính sách phát hành ESOP ở mệnh giá.
– Ông đánh giá Nhựa An Phát Xanh sẽ như thế nào trong 3-5 năm tới?
– Ông Nguyễn Lê Trung: Bắt nhịp xu hướng sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, Nhựa An Phát Xanh đã có sự đầu tư bài bản để phát triển dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn trong thời gian qua. Hiện tại, sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn đang chiếm 10% trong cơ cấu sản phẩm và dự kiến sản lượng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi An Phát Holdings đưa dây chuyền sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio (PBAT) vào hoạt động. Tại thị trường Việt Nam, nhiều tên tuổi lớn như Highlands Coffee, The Coffee House, Vinpearl… đã sử dụng sản phẩm túi và ống hút sinh học phân hủy hoàn toàn thương hiệu AnEco của chúng tôi. Trên thị trường xuất khẩu, top 20 khách hàng lớn của chúng tôi đều ngỏ ý gia tăng lượng hàng sinh học phân hủy hoàn toàn trong thời gian tới.
Dự án PBAT sau khi đi vào hoạt động sẽ giúp cắt giảm khoảng 30% chi phí sản xuất cho Nhựa An Phát Xanh so với hiện tại. Ngoài ra, Nhựa An Phát Xanh sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu, cải thiện vòng quay tồn kho và tăng biên lợi nhuận gộp sản xuất.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nâng tỷ lệ sản phẩm trong cơ cấu sản lượng để giá tăng lợi nhuận biên và chuẩn bị thị trường. Việc An Phát Holdings đầu tư vào công ty sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio ở Hàn Quốc sẽ giúp chúng tôi có được nguyên liệu giá rẻ trong 2 năm tới trước khi Tập đoàn đưa nhà máy sản xuất nguyên liệu 20.000 tấn chính thức hoạt động.
Theo tính toán, khi sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn của Nhựa An Phát Xanh đạt mức 50% công suất, lợi nhuận có thể gấp 2 lần mức lợi nhuận hiện tại.
Theo Người đồng hành.