Chuyển đổi khu công nghiệp để phát triển bền vững

06/09/2024

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc thúc đẩy thu hút đầu tư để hàng hóa Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tập đoàn An Phát Holdings đầu tư khu công nghiệp sinh thái tại Hải Dương. (Ảnh ÐAN THANH)
Tập đoàn An Phát Holdings đầu tư khu công nghiệp sinh thái tại Hải Dương. (Ảnh ÐAN THANH)

Cuối năm 2023, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền trở thành 1 trong 19 điểm du lịch văn hóa, lịch sử và trải nghiệm gắn với bảo vệ môi trường và hướng nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Danh sách do Sở Giáo dục và Ðào tạo, Sở Du lịch và Thành đoàn Hải Phòng lựa chọn và công bố.

Khu công nghiệp trở thành điểm du lịch

Lý do Khu công nghiệp Cầu Kiền được chọn là vì nơi đây không chỉ tập trung các nhà máy sản xuất mà còn lưu giữ những giá trị lịch sử, tạo nên giá trị đa dạng sinh học cũng như những trải nghiệm phong phú với nhiều thông tin, bài học về thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững theo định hướng đã được nhà đầu tư là Công ty cổ phần Shinec đề ra từ hơn 10 năm trước.

Chia sẻ về quá trình đầu tư bài bản và sáng tạo để trở thành đơn vị tiên phong trong chuyển đổi mô hình khu công nghiệp sinh thái, ông Phạm Hồng Ðiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Shinec cho biết tại đây đã hình thành 3 chuỗi cộng sinh công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, gồm ngành luyện kim-cơ khí, nhựa và các sản phẩm từ nhựa, phụ trợ điện-điện tử.

Về xử lý nước thải, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã có hệ thống quan trắc nguồn thải tự động, truyền dẫn thông tin liên tục 24/24 giờ về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát. Ðến nay, 25% lượng nước thải sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường…, góp phần giảm xả thải ra môi trường và tiết kiệm được 6 tỷ đồng mua nước sạch/năm.

Ðáng lưu ý, nhà máy xử lý nước thải được xây dựng thiết kế theo mô hình công viên vườn Nhật, kết hợp với khoảng 1 triệu cây xanh đã được trồng (chiếm 33% tổng diện tích đất toàn khu công nghiệp), đưa Nam Cầu Kiền trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Tại Nam Cầu Kiền cũng tự sản xuất được hơn 81 kW giờ điện mặt trời áp mái để sử dụng vận hành trong khu công nghiệp. Những năm gần đây, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp này đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng hơn 1.000 tỷ đồng/năm.

Ðón đầu dòng vốn xanh đổ vào Việt Nam, Tập đoàn An Phát Holdings đã sớm có định hướng xây dựng các khu công nghiệp An Phát Complex và An Phát 1 tại Hải Dương theo tiêu chuẩn ESG (môi trường-xã hội-quản trị doanh nghiệp). Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc An Phát Holdings cho biết, đây là quyết định khá mạo hiểm vì dự án được triển khai trong bối cảnh bộ tiêu chí ESG còn mới mẻ và chưa trở thành tiêu chí bắt buộc đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhưng cũng vì quyết định táo bạo này mà An Phát Holdings đã trở thành hình mẫu về khu công nghiệp mới, thu hút được dòng vốn xanh, vốn chất lượng rót vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao; từ đó góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Xây dựng luật khu công nghiệp, khu kinh tế

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết, với sự hợp tác quốc tế, Việt Nam đã thí điểm chuyển đổi một số khu công nghiệp từ mô hình truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái thông qua thúc đẩy sản xuất sạch hơn và liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Ðến nay, khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích song hành trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Nhiều địa phương và nhà đầu tư xác định việc phát triển khu công nghiệp theo mô hình mới là nhu cầu tất yếu, cấp bách để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. Giai đoạn 2015-2019, sáng kiến khu công nghiệp sinh thái được triển khai thí điểm tại 4 khu công nghiệp thuộc tỉnh Ninh Bình, hai thành phố Ðà Nẵng và Cần Thơ và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tham gia sáng kiến, 72 doanh nghiệp hoạt động trong 4 khu công nghiệp thí điểm đã tiết kiệm được hơn 22 nghìn MW giờ điện, 600.000 m3 nước, xử lý gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải, tiết kiệm hơn 76 tỷ đồng/năm và huy động hơn 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, đồng thời giảm tiêu thụ năng lượng, nước, hóa chất và chất thải…

Tuy nhiên trong thực tế, quá trình chuyển đổi và phát triển các khu công nghiệp mới còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề liên quan đến vốn đầu tư và quy định của pháp luật. Ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành Khu công nghiệp Deep C (Hải Phòng) cho biết, để lắp đặt cột điện gió, doanh nghiệp phải nhiều lần trình các cấp có thẩm quyền và thực hiện trong 3 năm vì chưa có các tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng cột điện gió trong khu công nghiệp.

Nhiều sáng kiến vận hành theo mô hình kinh tế tuần hoàn cũng chưa thể triển khai, như việc đưa nguồn nước xử lý từ nước thải quay trở lại quy trình sản xuất công nghiệp, dù nhiều nhà đầu tư thứ cấp sẵn sàng tái sử dụng nguồn nước này… Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Bruno Jaspaert cho rằng, nếu không tạo ra cơ chế cộng sinh tốt, sẽ rất khó thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp mới.

TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) đề xuất Chính phủ cần sớm hoàn chỉnh và đồng bộ về thể chế, chính sách, mô hình phát triển, phương thức quản lý khu công nghiệp theo mô hình các khu công nghiệp sinh thái.

Quá trình này có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc sớm có định hướng phát triển khu công nghiệp phù hợp với bối cảnh của quốc gia và xu thế phát triển của kinh tế thế giới, nhất là xu hướng phát triển tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ðồng thời cần xác định và xây dựng hệ thống chính sách pháp luật đầy đủ, đồng bộ cho phát triển hệ thống khu công nghiệp với yêu cầu dễ áp dụng và thực hiện cho cả các chủ thể, gồm doanh nghiệp và bộ máy giám sát, quản lý hoạt động xây dựng và kinh doanh của các khu công nghiệp.

Cũng cần có thông tin về những bài học kinh nghiệm, những thực tiễn tốt ở các địa phương và chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi để các địa phương có sự sáng tạo, linh hoạt nhằm đạt mục tiêu chuyển đổi khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái với chi phí thấp nhất và thời gian ngắn nhất.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho quá trình phát triển khu công nghiệp sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các khu công nghiệp phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, nhất là đối với các mô hình khu công nghiệp mới; trong đó có việc nghiên cứu, xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để bảo đảm tăng cường tính cạnh tranh quốc tế.

Theo Báo Nhân dân

5/5 - (1 bình chọn)